Danh nhân đất Việt

Nghị quyết 41C/15 ngày 23/11/2021 của Đại hội đồng UNESCO thống nhất vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào. Bà cũng được UNESCO trao sứ mệnh vinh quang: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới. Hồ Xuân Hương là nữ sĩ Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh: Danh nhân văn hóa thế giới.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Cha bà là cụ đồ Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mang trong mình dòng máu xứ Nghệ, lớn lên ở đất Thăng Long, sự hội tụ nét tinh hoa của hai vùng văn hóa lớn đã tỏa sáng một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài hoa. Bà viết thi ca bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giỏi thơ chữ Hán nhưng bà đã chọn chữ Nôm và được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”. Điều đặc biệt nhất trong thơ của bà là mỗi bài là một kiệt tác, viết theo thể Đường luật, được khẳng định qua các thi tập đa dạng, độc đáo, tài hoa như: "Thơ nôm truyền tụng", "Lưu hương ký", "Hương đình cổ nguyệt thi tập", "Đồ Sơn bát vịnh", "Đề Vịnh Hạ Long"… Bằng những bài thơ, vần thơ, câu thơ chữ Nôm sâu cay, thâm thúy, tài tình và đa nghĩa, Hồ Xuân Hương đã nói lên quyền được yêu, được thấu cảm, được sẻ chia, được tôn trọng, được ghi nhận của người phụ nữ. Bên cạnh đó, Hồ Xuân Hương còn được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tôn vinh là “Trong cuộc đấu tranh của phụ nữ suốt nhiều thế kỷ, sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng”, “thiên tài của bà là ở chỗ, dám đấu tranh công khai chống lại sự chính thống của đạo Khổng, bọn quan lại, tệ tham nhũng, những ông đồ gàn, thói giả nhân giả nghĩa trong xã hội” … Chính thiên tài của bà là nhân tố phá vỡ mọi khuôn phép. Tuy nhiên, thơ của bà vẫn ẩn chứa bên trong sự dịu dàng, đoan trang, tinh tế nhưng mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

Tài năng thơ ca và cái tôi rất riêng của nữ sĩ xuất phát từ chính cuộc sống bất hạnh của bà. Khoảng nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 là quãng trầm trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vai trò nữ giới không được đề cao. Bản thân Hồ Xuân Hương cả 2 lần lấy chồng đều là phận vợ lẽ và cả 2 lần chồng đều mất sớm, không có con. Do đó, tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền, phản kháng quyết liệt và chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội phong kiến.

Trải qua hàng trăm năm xuất hiện trên văn đàn, thơ của Hồ Xuân Hương luôn mang đến sự cuốn hút mạnh mẽ cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng trong nước và quốc tế. Đến nay, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.

Di sản của Hồ Xuân Hương không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử, tinh thần, ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp, có một sức sống mãnh liệt, lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng thơ độc đáo của Văn học Việt Nam, hiện đại, mới mẻ, vĩnh viễn sống và vĩnh viễn mới. Bà là nhà thơ khiến chúng ta tự hào và yêu mến để giới thiệu với bạn bè quốc tế và được đông đảo bạn đọc, học giả quốc tế đánh giá và tôn vinh./.