Vai trò giáo dục và gìn giữ truyền thống văn hóa trong gia đình

13/07/2018
Lượt xem: 1303

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, vị thế của gia đình. Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Gia đình và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, xã hội lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho các gia đình tiến bộ, gia đình hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa của xã hội. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ tiến lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam có ghi: Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Còn trong công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em  cũng viết: Việc giáo dục trẻ em trong gia đình phải được hướng tới phát triển tối đa nhân cách. Gia đình là nơi con người bắt đầu sinh ra, lớn lên và hoàn thiện nhân cách. Nhiều người đã gọi gia đình là một “tổ ấm kỳ diệu”, là nơi truyền thụ đầu tiên những giá trị tinh thần. Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá thì gia đình càng đóng vai trò lớn lao trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống, giáo dục đạo đức con người.