Tăng cường hoạt động kết nối cung cầu nông sản

04/01/2019
Lượt xem: 579

Vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian qua đã nhiều lần được đề cập, được cả nông dân và đơn vị phân phối quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết cung cầu nông sản vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực đang được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Trong đó, hoạt động kết nối cung cầu nông sản đã tạo điều kiện để 2 bên tìm được tiếng nói chung trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hoạt động kết nối cung-cầu mặt hàng nông sản, trái cây được UBND tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây đã tạo cơ hội cho các chủ trang trại, hợp tác xã, hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu được trực tiếp trao đổi, tìm hiểu sản phẩm để liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường. Qua đó, giúp thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng với kênh phân phối trong và ngoài nước.

Một thực tế thời gian qua phải nhìn nhận đó là một số mặt hàng nông sản, trái cây của tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế nhất định về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm có thương hiệu chưa nhiều, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các nông sản chủ lực vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng cây ăn trái, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn là nỗi lo của nông dân. Tuy nhiên, qua hoạt động kết nối cung-cầu nông sản đã giúp các mặt hàng nông sản, trái cây của tỉnh tìm được thị trường tiêu thụ ổn định khi nhiều nhà sản xuất, đơn vị phân phối ký kết được các hợp đồng cung ứng nông sản ổn định.

Từ năm 2011, tỉnh Bình Dương đã triển khai Đề án chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư, tổng diện tích gần 980 hecta, với nhiều sản phẩm tham gia xuất khẩu và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, nhiều trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP cũng đã cung ứng nông sản và trái cây an toàn cho thị trường. Qui mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn trái và các mặt hàng nông sản theo qui trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển khả quan. 

Khi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản hòa nhịp, sẽ là động lực thúc đẩy nền nông nghiệp sạch phát triển, nông dân có động lực để đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ, đồng thời cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, xây dựng hình ảnh nông sản của Bình Dương ở thị trường trong và ngoài nước.