Sử dụng hiệu quả vốn chính sách ưu đãi

03/04/2019
Lượt xem: 502

“Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được Ngân hàng chính sách xã hội triển khai, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên. Từ nguồn vốn ủy thác, các tổ chức đoàn thể đã tăng cường hỗ trợ vốn vay, giúp hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế và sử dụng vốn ưu đãi một cách hiệu quả nhất.

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VỐN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, vào năm 2012, ông Phan Văn Dư ở phường An Bình, thị xã Dĩ An đầu tư trồng rau mầm. Ban đầu, ông chỉ trồng với số lượng ít, đủ trang trải thu nhập hàng ngày. Được Hội nông dân phường tín chấp vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách với số tiền 30 triệu đồng, ông mua thêm khay và  hạt giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng rau. Từ đó đến nay, ông Dư được hỗ trợ vay nhiều đợt vốn, với tổng số tiền vay hơn 100 triệu đồng, ông đã mở rộng diện tích trồng rau mầm của gia đình lên hơn 300m2. Trồng rau mầm không cần diện tích lớn, ông Dư tận dụng không gian quanh nhà đầu tư các khay trồng rau nhưng đem lại kinh tế khá cho gia đình. 2 loại hạt giống chủ yếu được ông sản xuất rau mầm là rau muống và cải. Rau mầm là loại cây ngắn ngày, sau khi gieo hạt khoảng từ 5-7 ngày cho thu hoạch. Hiện mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch trên 150 kg rau mầm. Mầm rau muống có giá 50.000đ/kg, mầm cải có giá 30.000đ/kg, tiêu thụ ổn định tại các chợ đầu mối, đem lại thu nhập mỗi ngày hơn 6 triệu đồng. Mỗi tháng doanh thu đạt trên 180 triệu đồng. Nhờ vào nguồn vốn chính sách ưu đãi, cuộc sống gia đình ông Dư hiện khá ổn định với mô hình trồng rau mầm.

Chương trình ủy thác cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên để hỗ trợ cho hội viên có điều kiện tăng gia sản xuất được Ngân hàng chính sách xã hội Bình Dương phối hợp thực hiện hiệu quả. 15 năm qua, chi nhánh ngân hàng đã cùng với 4 tổ chức chính trị-xã hội thành lập được hơn 1.600 tổ tiết kiệm, vay vốn, trải đều khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Bình Dương. Dư nợ bình quân 1 tổ là gần 1 tỷ đồng. Phương thức ủy thác này là hướng đi đảm bảo cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên các đoàn thể có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình.  

Cùng với chương trình ủy thác cho vay vốn chính sách ưu đãi, các hoạt động khuyến nông cũng được phối hợp thực hiện. Nổi bật là việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trang bị cho hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên những kiến thức cần thiết trong trồng trọt, chăn nuôi để đầu tư sản xuất hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích. Với việc tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi cho“Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên các đoàn thể có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, nâng cao mức sống gia đình.