Làng hoa Tân Ba rộn ràng vào vụ Tết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6- Quốc hội khóa 14, chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển;
Với 451/456 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,99%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi). Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 chương, 39 điều, quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Đối tượng áp dụng là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.
Với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Luật thể chế hóa đường lối, chính sách về phát triển trồng trọt.
Luật Chăn nuôi đã được thông qua với 454/464 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,61%. Luật quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi với 8 chương, 83 điều, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động chăn nuôi.
Với 467/468 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 96,29%, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển. Luật gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; Tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Trước đó, trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Theo Chương trình Kỳ họp, ngày mai 20/11, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.