Đảng bộ Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương triển khai nhiệm vụ năm 2025
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình tỉnh thuộc Sở văn hoá thể thao và du lịch Bình Dương, số vụ việc bạo hành gia đình trên địa bàn tỉnh giảm mạnh trong 5 năm trở lại đây. Trung bình mỗi năm giảm được 23,6% số vụ. Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được thành quả này là nhờ sở đã đẩy mạnh các hoạt động phòng chống hướng về cơ sở. Đồng thời, có quy chế phối hợp chặt chẽ, cụ thể với từng ban ngành đoàn thể và chính quyền các địa phương trong tỉnh.
Khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng thị xã Dĩ An có 516 hộ dân với diện tích 56 ha. Đa phần các hộ dân đều từ nơi khác đến đây lập nghiệp và định cư. Địa bàn khu phố khá rộng, giáp ranh với 1 phường thuộc quận 9 thành phố Hồ Chí Minh và 2 phường thuộc thành phố Biên Hoà tỉnh Đồng Nai. Dù địa bàn được xem là phức tạp nhưng đây là khu phố được đánh giá là có tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đời sống văn hoá đảm bảo nhất ở phường Bình Thắng nói riêng, thị xã Dĩ An nói chung. Khu phố phát huy hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, tổ hoà giải cơ sở và nhóm phòng chống bạo lực gia đình. 3 năm trở lại đây, khu phố không để xảy ra trường hợp bạo hành gia đình nào. Đầu năm 2018, người dân khu phố cùng nhau đóng góp hơn 100 triệu đồng để lắp đặt 16 camera giám sát tại nhiều tuyến đường trong khu vực. Nhờ đó, công tác phòng chống bạo hành gia đình và giữ gìn trị an càng tốt hơn.
Chính từ những khu phố không bạo lực gia đình sẽ góp phần tạo nên một xã hội văn hoá, văn minh. Đây là giải pháp nền tảng mà các cấp ngành địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung thực hiện để phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thành lập hơn 1.000 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và tổ hòa giải cơ sở. Các câu lạc bộ, nhóm, tổ đang phát huy vai trò trong việc xây dựng từng khu phố, ấp, xã, phường văn hoá, không bạo lực. Bởi thông qua việc sinh hoạt định kỳ, các thành viên còn trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên, kinh nghiệm tăng gia sản xuất cải thiện kinh tế. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể phối kết hợp thành lập 528 “Địa chỉ tin cậy” để tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao.
Với sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội và địa phương, công tác phòng chống bạo lực gia đình tại Bình Dương sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, thực hiện thành công Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của uỷ ban nhân dân tỉnh và mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.