Phát triển các mô hình hợp tác sản xuất ở xã nông thôn mới

11/06/2018
Lượt xem: 873

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã nông thôn mới phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Thực hiện tiêu chí chung, các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã chú trọng thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, vừa nâng cao thu nhập người dân, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng nông thôn mới.

Trên địa bàn 48 xã nông thôn mới ở Bình Dương hiện có 54 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, tăng 17 hợp tác xã so với năm 2016. Hợp tác xã nông nghiệp hiện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ đầu vào và thu mua sản phẩm cho các thành viên. Cùng với hoạt động của hợp tác xã, toàn tỉnh cũng đã hình thành trên 280 tổ hợp tác, phát triển trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất; phần lớn là chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả đã phát huy tốt vai trò trong việc nâng cao năng lực kinh tế hộ gia đình trên địa bàn các xã nông thôn mới.

Được thành lập vào đầu năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình, huyện Phú Giáo hiện có 8 thành viên. Mô hình sản xuất của hợp tác xã là trồng dưa lưới trong nhà kính, với tổng diện tích hơn 3 hecta. Trước đây, khi sản xuất độc lập, sản lượng dưa lưới không nhiều, nên khó ký hợp đồng tiêu thụ ổn định, đa phần chỉ bán lẻ. Từ khi thành lập hợp tác xã, sản lượng dưa lưới mỗi đợt thu hoạch tăng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cho các hợp đồng đã ký. Đầu ra và giá cả dưa lưới ổn định hơn, với giá bán bình quân 30 ngàn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập khá cho các xã viên.

Ở xã nông thôn mới Phú An-TX Bến Cát, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa duy trì và hoạt động ổn định từ nhiều năm nay. Tổ hợp tác hiện có 11 thành viên, với tổng đàn bò sữa chăn nuôi hơn 120 con. Tham gia tổ hợp tác, nông dân có nhiều thuận lợi hơn trong chăn nuôi, nhất là về nguồn vốn hỗ trợ và kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, tổ hợp tác hoạt động ổn định, sản lượng sữa bò đáp ứng tốt cho các đơn vị thu mua. Cùng với tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa, 5 tổ hợp tác khác ở xã Phú An như: sản xuất bánh tráng, nuôi bò sinh sản, trồng nha đam…cũng hoạt động hiệu quả, tạo khí thế làm ăn phấn khởi trong nông dân.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở xã nông thôn mới phát triển ổn định, đã khẳng định kết quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Dương.