Nâng cao giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao

18/07/2018
Lượt xem: 1235

Với giá trị kinh tế vượt bậc mang lại từ nông nghiệp công nghệ cao, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là mục tiêu ưu tiên của tỉnh BD trong giai đoạn tiếp theo. Các chính sách đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng sẽ được tỉnh tăng cường nhằm mang lại kết quả tích cực hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Bình Dương hiện đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích 980 hecta đang hoạt động hiệu quả. Đối với công ty cổ phần Nông nghiệp U&I, ngoài khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái được đầu tư tại xã An Thái, huyện Phú Giáo trồng dưa lưới, chuối già hương, cây có múi; hiện nay công ty còn đầu tư trồng chuối công nghệ cao tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Diện tích trồng chuối tại xã Thanh An là 117 hecta. Sản phẩm hiện được phân phối ở một số siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Xác định đầu tư công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ở các trang trại, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục được chú trọng. Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao hiện đạt 2.500 hecta, tăng 47% so với năm 2015. Trong đó có 44 trang trại được chứng nhận VietGAP với các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, dưa lưới, cây ăn trái… Các mô hình này đều ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng giống năng suất cao, áp dụng hệ thống tưới tự động, điều khiển ra hoa, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính.

Đối với cây ăn trái có múi, việc áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất cây ăn trái hiện đạt bình quân 60 tấn/hécta. Với việc thiết kế hệ thống tưới phun tự động kết hợp xử lý ra hoa trái vụ đến năm thứ 3 sau khi trồng đã cho lợi nhuận từ 1- 2 trăm triệu đồng/hecta; từ năm thứ 4 trở đi, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng/hecta. Vì vậy, hiện nay ở các vùng chuyên canh cây ăn trái trong tỉnh, nông dân đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.   

Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương khuyến khích và có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp địa phương.