Để mọi công nhân lao động đều có Tết
Trong số các tỉnh thành phố có thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiện Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 1997 tỉnh Bình Dương được tái lập tách ra từ tỉnh Sông Bé, khi đó ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chưa phát triển mạnh. Từ điểm xuất phát thấp đi lên, hưởng ứng chủ trương đổi mới của Đảng, Bình Dương quyết tâm đổi mới với chiến lược chuyển một tỉnh từ nền kinh tế thuần nông phát triển thành một tỉnh công nghiệp.
Quan điểm đó đã được tỉnh cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cho từng thời kỳ. Trong đó, nhiệm vụ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, được tỉnh xác định là yếu tố quan trọng, nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa một cách bền vững.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, thống kê đến ngày 31/8/2018, toàn tỉnh có 3.444 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 31,29 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân trung bình hàng năm đạt 78%. Đây là ưu điểm trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương, đa số các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều nhanh chóng triển khai xây dựng nhà máy để sớm đi vào hoạt động.
Với nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư, tốc độ tăng trưởng công nghiệp lẫn thương mại - dịch vụ tăng cao, đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 1997, tỉnh Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% và 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45%, nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng, tổng thu ngân sách chỉ đạt 817 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Bình Dương phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập tỉnh: Cơ cấu kinh tế của tỉnh với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ lệ tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% và 8,59%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 872.000 tỷ đồng, tăng gấp 218 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,5 tỷ USD tăng gấp 78 lần so với năm 1997. BD còn là 1 trong những tỉnh có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách tăng bình quân 12,8%/năm, giải quyết việc làm cho 48.000 lao động mỗi năm. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các thành phần kinh tế, trong đó, có khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp trên 48,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 82% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Thu hút hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Bình Dương đã trở thành 1 trong những tỉnh công nghiệp năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 1 điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của Việt Nam.