Đồng hành để phát triển thương mại điện tử

11/06/2018
Lượt xem: 733

Theo đnh hướng, đến năm 2020, tại Bình Dương sẽ có 30% doanh nghiệp giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng thương mại điện tử và các thiết bị di động; 50% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. Chỉ số thương mại điện tử đang tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Bình Dương.                

Trên thực tế, thương mại điện tử đã đem đến những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điều đó là không thể phủ nhận. Qua các chương trình thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đã chú trọng vào việc maketing qua mạng bằng việc tham gia các sàn giao dịch trong nước và quốc tế, đăng quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, danh bạ web, gửi email khách hàng, việc gửi mail trở nên phổ biến, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn do có giá thành rẻ, dễ thực hiện.

Theo khảo sát, với lượng lớn người sử dụng internet, Việt Nam  đang nằm trong top đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm. Đây chính là tiềm năng lớn để thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt kết quả cao nhất, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các ngành chức năng. Để qua đó, các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu; tìm hiểu thêm giải pháp thanh toán thương mại giải pháp; chuỗi dịch vụ tìm kiếm khách hàng,...

Theo định hướng,  từ nay đến 2020, tại Bình Dương, 100% doanh nghiệp lớn, 65% doanh nghiệp vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng thương mại điện tử và các thiết bị di động; 50% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất thương mại dịch vụ; 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông; 40% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử... Với tiềm lực về  hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, cải cách hành chính, tin rằng, các giao dịch thương mại điện tử tại Bình Dương sẽ càng phát triển mạnh, tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thương trường và là nền tảng góp phần xây dựng thành công thành phố thông minh theo định hướng của Bình Dương đến năm 2021.