Đảng bộ Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương triển khai nhiệm vụ năm 2025
Cù lao Rùa thuộc địa bàn xã Thạnh Hội, là một di tích văn hóa khảo cổ học của tỉnh Bình Dương, là niềm tự hào của người dân Tx Tân Uyên. Tuy nhiên, hiện nay, cù lao Rùa đang bị sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ sẽ dần biến mất trong sự bất lực, tiếc nuối của người dân.
Trước đây, tại khu vực này là tuyến đường giao thông, xe tải có thể chạy được. Vậy mà giờ đây, tuyến đường này đã hoàn toàn biến mất. Phần đất liền cù lao Rùa giáp với mé sông liên tục sạt lở còn ăn sâu vào khu vực đất nhà dân. Liên tiếp nhiều năm trở lại đây, năm nào nhà ông Hồ Văn Nghĩa, ngụ ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội cũng phải chịu cảnh sạt lở, đất trôi ra sông. Ít thì 1 mét, nhiều thì 2-3 mét. Với chiều dài gần 25m, nhà ông Nghĩa đã mất hàng trăm, thậm chí cả ngàn mét đất vì sạt lở đất theo thời gian dài.
Cù lao Rùa là một di tích khảo cổ cấp quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, vậy mà, giờ đây, di tích lịch sử này có nguy cơ đang dần biến mất. Đường kính cổ Rùa, từ chỗ trước đây rộng khoảng 200m, giờ chỉ còn lại chưa đầy 60m chiều ngang. Và mỗi năm, đường kính này ngày càng bị thu hẹp.
Trước đây trong khoảng thời gian từ 5-7 năm bờ sông mới bị lở và nhiều lắm là 1 mét. Thế nhưng sau đó, khi những sà lan cạp hút cát đến khai thác cát thì bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào đất liền, có nơi đã lên đến hơn 30m. Bà con nhiều lần kiến nghị, chính quyền đã thu hồi giấy phép khai thác cát đoạn sông thuộc quyền quản lý của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn đó, nạn khai thác cát trái phép khiến cù lao Thạnh Hội trở thành một khu vực sạt lở nghiêm trọng của TX Tân Uyên. Thêm vào đó, hậu quả của việc khai thác cát ồ ạt không theo quy hoạch đã khiến quy luật dòng chảy thay đổi, đi thẳng vào đoạn cổ của Cù Lao Rùa.
Tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra từng ngày, từng giờ... đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong khi đó, nạn khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra tràn lan hàng đêm tại khu vực sông Đồng Nai đi qua cù lao Thạnh Hội, gây ra vấn nạn sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Tình trạng hủy hoại môi trường không thể chấm dứt, nếu chính quyền các địa phương còn thờ ơ với thực trạng đã đến hồi nguy cấp này.