Rác thải điện tử có thể chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo nhận định mới nhất của Liên hiệp quốc, thế giới đang thua trong cuộc chiến chống rác thải điện tử. Nhận định này được đưa ra dựa trên một báo cáo cho thấy đến năm 2030, các nước sẽ thải ra 82 triệu tấn rác thải từ điện thoại di động cũ và các thiết bị khác.
Lý giải nguyên nhân chủ yếu tạo nên rác thải điện tử, các chuyên gia cho rằng xu hướng hiện nay là nhiều người không chọn cách sửa chữa đồ bị hỏng mà thay thế bằng thiết bị mới, vòng đời của thiết bị điện tử ngắn hơn và cơ sở hạ tầng không đầy đủ để xử lý rác thải điện tử. Hiện tốc độ xả rác thải điện tử ra môi trường trên toàn thế giới đã cao gấp 5 lần khả năng xử lý chúng.
KEES BALDE - Chuyên gia Khoa học cấp cao của Liên hợp quốc
"Thông thường mỗi người dân ở một quốc gia ở Liên minh châu Âu hoặc Mỹ có thể tạo ra tới 20 kg rác thải điện tử mỗi năm. Chúng tôi ước tính khoảng 800.000 tấn rác thải điện tử cũ mỗi năm đang được chuyển từ các nước giàu sang các nước phía Nam bán cầu. Số lượng các tấm pin mặt trời bị lãng phí đang tăng nhanh chóng và sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay vào năm 2030 ".
Thống kê cho thấy 1,39 tỷ chiếc điện thoại di động đã được bán trên toàn cầu trong năm 2023 và ước tính hơn 5 tỷ chiếc đã bị vứt đi.