Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, sáng 6/6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe trình bày tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật thủy sản (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Quốc hội nêu rõ sau 13 năm thi hành Luật thủy sản 2003 thực tế đang đặt ra các yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi.
Luật hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành Thủy sản Việt Nam về quy định quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản không dùng vào mục đích làm thực phẩm; quản lý hoạt động thả phóng sinh, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; quản lý giấy phép khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá; kiểm ngư... Một số quy định mới của các điều ước quốc tế về thủy sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cho phù hợp.
Việc xây dựng dự án Luật thủy sản để thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với ngành Thủy sản là ngành kinh tế, xã hội, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động thủy sản nhằm thực hiện tái cơ cấu, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững.
Dự án Luật thủy sản (sửa đổi) có 8 Chương, 100 Điều. Luật quy định về hoạt động thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản, trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản trong nội địa, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 7/6, QH sẽ thảo luận tại tổ về Dự án Luật này.