Tối 14/8, UBND huyện Bắc Tân Uyên long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận văn bản bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên” và Bưởi Bắc Tân Uyên”.

 Tối 14/8, UBND huyện Bắc Tân Uyên long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận văn bản bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên” và Bưởi Bắc Tân Uyên”. Đến dự có ông Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ: Phạm Xuân Đà - Cục Trưởng Cục công tác Phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ; cùng đại diện lãnh đạo các cấp và hàng trăm hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện.

 Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên” được thực hiện từ tháng 8/2015 với tổng kinh phí 450 triệu đồng, được trích từ ngân sách sự nghiệp KHCN của huyện. Sau hơn một năm khảo sát, lập bản đồ vùng trồng cam, bưởi; xây dựng nhãn hiệu, dự án đã đạt kết quả khả quan. Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên đã  phát triển được khoảng 2 ngàn héc ta cây ăn trái có múi, trồng theo mô hình trang trại tập trung, chủ yếu tại các xã Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Định, Tân Mỹ, Thường Tân… Trong đó có 67 héc ta cây ăn trái có múi đã được cấp chứng nhận VietGAP , năng suất bình quân đạt trên 36 tấn một héc ta.

Tại buổi Lễ tối qua, Bộ KH&CN đã trao văn bản bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho 24 thành viên; trong đó, 12 thành viên được cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bắc Tân Uyên” và 12 thành viên được cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên”.Đồng thời, dịp này Hợp tác xã Cây ăn trái Tân Mỹ cùng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.HCM - Saigon Co.op cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp và bao tiêu sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên.

Phát biểu chúc mừng, ông Đặng Minh Hưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả của dự án, đồng thời đề nghị huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao; tạo tiền đề quan trọng để cam và bưởi Bắc Tân Uyên tiếp tục vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước. Được biết, huyện Bắc tân Uyên đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có từ 300 - 500 héc ta cây ăn trái có múi được cấp Chứng nhận VietGAP; với giá trị sản xuất bình quân đạt từ 800 triệu đồng/năm trở lên.