Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad ngày 13/11 cho biết, các nước đang phát triển cần nguồn tài chính khí hậu từ 140-300 tỷ đola Mỹ mỗi năm vào năm 2030, và con số này có thể lên tới 280-500 tỷ đola/năm vào năm 2050.
Bà Fouad đánh giá khoản hỗ trợ tài chính 100 tỷ đola mỗi năm cho thích ứng mà các quốc gia phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển sẽ không đủ để giải quyết vấn đề. Tài chính là một thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển muốn giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trước những cú sốc khí hậu. Trước đó, bà Fouad cho hay thách thức lớn nhất đối với Ai Cập, với tư cách là nước chủ nhà và là nước Chủ tịch Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), là thuyết phục các nhà đàm phán về một loạt vấn đề khác nhau, bao gồm tài chính giúp các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và sự đồng thuận về "tổn thất và thiệt hại", nguồn tài chính từ các các quốc gia công nghiệp hóa hỗ trợ cho các quốc gia nghèo hơn đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu./.