Hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, Bình Dương đã xác định rõ nhiệm vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Để thực hiện được yêu cầu này, trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống đào tạo chung của Chính Phủ, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh chiến lược quy hoạch, phát triển mạng lưới các trường giáo dục chuyên nghiệp, trường nghề ở địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực một cách hiệu quả.
Thực tế cho thấy, trong xu hướng địa phương đang hướng tới việc quy hoạch phát triển công nghiệp mang tính chọn lọc, ưu tiên cho những dự án sản xuất theo công nghệ tiên tiến, xanh sạch, có hàm lượng chất xám cao, thì việc làm thế nào để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bình Dương.
Để đáp ứng yêu cầu này, việc hoàn thiện mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết, cụ thể là việc nâng cao chất lượng, quy mô của mạng lưới các trường chuyên nghiệp, trường nghề trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương cũng như các tỉnh thành lân cận, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường nghề ở Bình Dương không ngừng đầu tư đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay yêu cầu đặt ra cho các trường cụ thể hơn trong quá trình đào tạo, đòi hỏi nhà trường phải có một chiến lược đào tạo phù hợp, gắp liền với thực tiễn xã hội. Chất lượng đầu ra trong đào tạo đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội, cũng chính là thước đo chất lượng, khả năng đào tạo của mỗi trường. Với yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi các trường phải luôn linh động, nhạy bén, đặc biệt là trong việc liên kết với các trường, các doanh nghiệp trong chiến lược đào tạo của mình.
Theo đề án quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề của Chính phủ giai đoạn 2011 – 2020 thì đến năm 2020, cả nước sẽ đẩy mạnh phát triển về quy mô đào tạo lên 580 trường đại học, cao đẳng, tăng 166 trường so với thời điểm hiện tại, đáp ứng năng lực đào tạo trên 8,3 triệu sinh viên. Trong đó, vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển thêm 34 trường đại học cao đẳng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương trong vùng, gắn liền đó là việc phát triển nâng cao năng lực hệ thống các trường nghề. Xác định nâng cao mặt bằng dân trí chính là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực, trong đó, đào tạo bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao và phát triển dạy nghề là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở địa phương. Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo cung ứng cho doanh nghiệp đạt 80%. Tập trung nâng cao chất lượng, quy mô của mạng lưới đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo nghề, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nâng cao quy mô chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh.