Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan từ 9 đến 11/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan đã khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu và bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên. Điều này càng có ý nghĩa khi mà Bình Dương đang tiến hành triển khai nhiều chương trình trong biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với thành phố Enidhoven-Hà Lan
Trong bối cảnh chung, không chỉ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Hà Lan còn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất vào nước ta, xếp thứ 11 trong số 119 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 287 dự án trị giá 7,7 tỷ USD. Riêng Bình Dương, địa phương có nhiều nét tương đồng với thành phố Eindhoven (Hà Lan) như có cộng đồng doanh nghiệp lớn, có nhiều cơ sở đào tạo nghề, nhiều trường đại học, do vậy, tính đến nay, Hà Lan là quốc gia có số vốn đầu tư lớn thứ 8 tại Bình Dương. Tuy chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp nhưng tổng vốn đầu tư tới 478,5 triệu đô la Mỹ. Hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả. Trong mắt chính quyền và doanh nghiệp Hà Lan, Bình Dương là địa phương giàu tiềm năng về nhiều mặt. Không chỉ thu hút đầu tư, Bình Dương cùng thành phố Eindhoven đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện, trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị, phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế và giáo dục, đồng thời triển khai mô hình kiềng ba chân và vườn ươm doanh nghiệp theo kinh nghiệm của Eindhoven, cơ sở để thực hiện đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, giáo dục đào tạo, các trung tâm nghiên cứu và vườn ươm doanh nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực và chuỗi giá trị cung ứng. Đại diện tỉnh là Tổng Công ty Becamex IDC sẽ cùng tập đoàn Brainport nghiên cứu tăng cường thế mạnh cạnh tranh của chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thu hút các tập đoàn, công ty lớn.
Mục tiêu của đề án “Thành phố thông minh Bình Dương” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, giảm chi phí tiêu thụ tài nguyên, đồng thời cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền. Những mục tiêu phát triển đó sẽ đưa thành phố Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp xanh, sạch và đẹp, đáp ứng mục tiêu của Tỉnh là trở thành địa phương hàng đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của cả nước.